đang tải nội dung...

Mùa Quân sự của tôi - một thời để nhớ

03/11/20221.358 lượt xem

Viết cho tôi và các bạn của nhiều năm sau, để nhớ chúng ta từng cùng nhau đi qua những tháng ngày rất đẹp!

             Thời gian vội vàng trôi, để lại trong tôi những bâng khuâng, xao xuyến về bao kỷ niệm buồn vui của một mùa quân sự sắp được gói ghém vào ký ức. Một chút tiếc nuối, một chút nhớ nhung, và một chút buồn… Nhanh thật! Gần 30 ngày đã trôi qua. Đó là khoảng thời gian rất ngắn nhưng đủ để tôi yêu lắm sắc nắng vàng hanh hao của trời thu, sắc xanh trong sâu thẳm của hồ Đá, đủ để tôi nhớ lắm những luồng run rẩy rung rinh lá khi đón chào đợt gió heo may, tiếng giảng bài hăng say nhiệt huyết của các thầy, tiếng nói cười của bạn bè, và đủ để tôi trưởng thành hơn rất nhiều!

             “Nghiêm khắc” và “Kỷ luật” có lẽ là hai từ đầu tiên vang lên trong đầu tôi khi được nghe thông báo về kỳ học quân sự kéo dài 1 tháng. Sự hoang mang ập đến tâm trí tôi, cùng hàng loạt mối lo ngại xuất hiện: “Nếu mình không dậy sớm được thì sao?”, “Nếu mình không hòa đồng với 11 bạn cùng phòng thì sao?”, “Nếu cơ sở vật chất kém quá thì phải làm sao?”... Tất cả những câu hỏi đó đua nhau hiện ra trong tâm trí khiến cho một chàng tân sinh viên từ quê lên thành phố như tôi - một “cậu ấm” luôn được bố mẹ bao bọc, che chở trước mọi khó khăn của cuộc sống - cảm thấy vô cùng ngột ngạt. Những ngày đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen với các chế độ trong ngày. Thật kì lạ biết bao khi một người chỉ đi ngủ sau 12 giờ như tôi lại phải nằm yên vị trên giường đúng 10 giờ tối, và sáng sớm hôm sau, đúng 5 giờ tất cả sinh viên phải thức dậy, chuẩn bị quần áo để xuống sân tập thể dục trong tiếng kèn inh ỏi và tiếng thúc giục của các thầy cô. Việc tập thể dục trong tuần đầu tiên quả thực rất “kinh khủng” khi tất cả thói quen giờ giấc của tôi đã bị đảo lộn, vì thế mà tôi gần như chẳng có đủ sức khỏe và tinh thần để vận động mạnh vào buổi sáng. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ngay sau khi tập thể dục, chúng tôi chỉ có 30 phút cho một chuỗi các hoạt động: đánh răng, ăn sáng, thay quần áo, xếp nội vụ và xếp hàng chờ thầy cô đi kiểm tra. Hai ngày đầu, tôi đã tốn rất nhiều thời gian cho việc luyện tập xếp nội vụ sao cho vuông vức; thêm với thói quen lề mề trong vệ sinh sáng hồi còn ở nhà đã thật sự thách thức tôi trong việc tập trung đi học đúng giờ vào lúc 6 giờ 45 phút sáng. Mọi thứ diễn ra theo quy củ khiến tôi ngỡ ngàng và nghĩ rằng bản thân sẽ chẳng bao giờ thích nghi với môi trường “khắc nghiệt” này được. Thế nhưng, ngày qua ngày, tôi chẳng ngờ rằng những việc mà bản thân từng rất lạ lẫm giờ đây lại thành một phần cuộc sống mình. Tôi dần quen với những đêm ngủ sớm, những ngày dậy sớm và hít thở bầu không khí trong lành - điều mà trước đây tôi chưa từng được cảm nhận trọn vẹn. Tôi còn cảm thấy khỏe khoắn hơn khi được tập thể dục mỗi sáng, cảm thấy đã trở nên kỷ luật hơn khi luôn có mặt đúng giờ mà không cần đợi một ai phải hối nhắc. Tôi dần quen với nếp sống có tổ chức, nhanh nhẹn và gọn gàng, quen với những giờ ngủ trưa chớp nhoáng, quen với việc đúng giờ xuống sân tập hành quân, đi lao động, xem thời sự... Có thể nói, chỉ vỏn vẹn 1 tháng trong quân đội, tôi đã xây dựng được những thói quen có ích cho cơ thể, đã hiểu được rằng mình từng sống bừa bộn và thiếu tôn trọng với sức khỏe bản thân như thế nào. Biết yêu và sống có trách nhiệm với bản thân hơn, sống có kỷ luật với tập thể hơn, phải chăng cũng là một biểu hiện của trưởng thành? 

Tham gia kỳ học quân sự này, tôi còn có cơ hội học hỏi và trau dồi rất nhiều những kỹ năng sống cần thiết. Nếu trước đây, khi còn ở nhà, bố mẹ là người phụ giúp hầu hết các công việc nhà để tôi có thời gian học hành và tham gia các hoạt động xã hội, thì giờ đây tôi lần đầu trải nghiệm những công việc như giặt đồ một cách thủ công bằng thau, dọn rửa nhà vệ sinh sau mỗi lần sử dụng, quét và dọn rác cả một khoảng sân trường rộng lớn. Nếu trước đây, tôi chỉ biết sống một mình và có thể tha hồ bày bừa mà không sợ làm phiền đến ai, thì giờ đây tôi biết quan tâm đến cảm giác của mọi người xung quanh hơn, biết chung tay dọn dẹp sạch sẽ và vệ sinh kĩ càng hơn để cùng tạo nên không gian sinh hoạt, học tập tốt nhất có thể. Và nếu trước đây, tôi chỉ là một cậu học sinh rụt rè, ngại giao tiếp và kết bạn mới thì chính sự thân thiện của các anh em cùng phòng, các bạn cùng đại đội đã giúp tôi mở lòng hơn và dựng xây những mối quan hệ trong sáng, tốt đẹp. Từ một người luôn tự ti về sự thiếu kĩ năng mềm trong những năm tháng cấp 3, luôn hoài nghi chẳng biết bản thân có thể tự lập, tự bước đi trên đường đời nhiều cạm bẫy hay không, tôi tin rằng ngay lúc này mình có thể tự hào khoe với bố mẹ rằng, con trai của bố mẹ đã lớn khôn và chín chắn hơn ngày xưa rất nhiều!        

Cuộc đời mỗi con người sẽ trải qua những chặng đời có khả năng thay đổi ta mãi mãi, và với tôi, một tháng quân sự vừa qua chính là khoảng thời gian ấy: Tôi được bừng tỉnh về lí tưởng và có những đổi mới đáng kể trong tư duy về tình yêu nước. Là một người trẻ sinh ra trong kỷ nguyên số, thế hệ chúng tôi đối mặt với những thách thức nguy hiểm hơn bao giờ hết, trong đó có sự khủng hoảng niềm tin trên mạng xã hội. Chính sự non nớt về nhận thức, thiếu hụt về kinh nghiệm sống đã làm cho tôi và vô vàn người trẻ như tôi không có lập trường chính trị vững vàng, dễ dàng trở nên cả tin và bị kích động bởi những phần tử phản động chuyên xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, nhà nước. Cho tới khi được các giảng viên cung cấp những kiến thức cơ bản về chế độ chính trị, về những âm mưu của kẻ thù, về những trận chiến mà đất nước ta đã phải đau đớn chống chịu; tôi mới thấy thương, yêu, cảm phục mảnh đất Việt Nam, con người Việt Nam và dòng máu Việt Nam hơn bao giờ hết. Trong chiến tranh, đã có những ngôi làng bị tiêu diệt hoàn toàn từ người già đến trẻ em, đã có những người phụ nữ bị bọn lính đánh thuê cưỡng hiếp cho đến chết, đã có những “anh hùng không ai biết mặt đặt tên” nhưng đã “làm nên Đất Nước muôn đời” . Đó là hơn 100 anh đặc công bị chôn xác tại sân bay trong một lần thực hiện nhiệm vụ, là nàng Cúc đã hoá thân mãi vào dáng hình xứ sở tại ngã ba Đồng Lộc khi đời đời nằm dưới hố bom, và là những anh chiến sĩ tựa “sóng nước / Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” nơi đáy sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Họ và rất nhiều người như họ đã đúng nghĩa “sinh ra từ trong chân lý”, đã chẳng tiếc tuổi xuân xanh để chắc tay súng bảo vệ đất nước. Tại sao chúng ta có quyền nghi ngờ họ, khi chính tôi và các bạn cũng chỉ là những mầm xanh được mọc lên từ mảnh đất mà phù sa là máu và nước mắt của anh em đồng bào mình? Tại sao chúng ta có quyền phán xét họ trong thời bình, khi chúng ta chưa từng cựa mình tứa máu trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết, giữa cá nhân và Tổ Quốc, giữa nô dịch và độc lập? Nhưng ngay cả khi chiến tranh kết thúc, hoà bình cũng đã thật sự lặp lại trên mảnh đất này hay chưa, khi chất độc màu da cam vẫn còn đó, tiếng súng đạn vẫn ám ảnh tâm trí người lính, những tâm hồn người mẹ vụn vỡ chẳng thể tìm lại được người con của mình? Hoà bình đã lặp lại hay chưa khi chính thế hệ trẻ chúng ta vẫn thiếu kiến thức lịch sử, vẫn thờ ơ với công tác quốc phòng an ninh, và vẫn sính ngoại và vẫn chẳng đóng góp được gì cho đất nước? Chính những câu chuyện mà các thầy kể, đã thổi bùng tình yêu nước và khao khát xây dựng đất nước trong chính con người tôi, và tôi tin là của rất nhiều sinh viên khác nữa. Chính những lời thầy khuyên bảo cũng đã cho tôi biết rằng, yêu nước chẳng phải là trở thành ông này bà kia, chẳng phải là làm những điều vĩ đại thay đổi thế giới; yêu nước thời kỳ 4.0 là khi bạn có niềm tin vững vàng vào đất nước, biết bảo vệ Tổ quốc khỏi những lời bịa đặt của kẻ phản động, là biết trân quý thành quả Cách mạng của ông cha ta và biết cố gắng để trở thành một công dân có ích cho xã hội. Tổ Quốc đã ban cho chúng ta rất nhiều ân huệ, và giờ là lúc tôi và các bạn kiếm tìm lời đáp cho câu hỏi: “Mình đã làm gì cho Tổ Quốc thân yêu?”

Những tiết học thực hành ngoài bãi tập cũng mang đến cho tôi những kĩ năng quân sự, chiến đấu, phòng thủ cơ bản cần thiết. Có những kĩ năng tương đối đơn giản, chỉ cần tập trung cao độ là làm được nhưng có những kĩ năng đòi hỏi quá trình luyện tập rất dài để đạt điểm cao trong kỳ thi. Song có lẽ buổi tập mà tôi thích nhất là lúc học chiến thuật tiến công, phòng thủ bởi khi đó, tôi có cơ hội được cầm súng di chuyển, đi khom và ném lựu đạn như một chiến binh thực thụ. Buổi học hôm ấy, có nhiều bạn bị trầy xước và mệt mỏi, nhưng tất cả đều nở nụ cười mãn nguyện vì có một trải nghiệm thú vị trong cuộc đời sinh viên của mình. Một giảng viên từng nói với chúng tôi rằng: “Học Quốc phòng để biết ngày xưa các chiến sĩ đã khổ cực như thế nào?” Tôi nghĩ tôi vẫn chưa hiểu được đâu, vì những gì tôi trải qua, chỉ là cái nóng bức khó chịu của lớp vỏ áo quân phục cực dày, chỉ là những buổi tập dưới nắng đến cháy da, chỉ là những động tác mà thương tích lắm là trầy đầu gối, làm sao tôi có thể biết rõ và thấu được những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần mà các anh từng phải cam chịu? Nhưng tôi tin, học Quốc phòng để biết thương và trân trọng các chiến sĩ ngày xưa hơn, và tôi nghĩ các thầy đã giúp tôi làm được điều đó!

Chuỗi ngày học quân sự của tôi là bầu trời với những ngôi sao ký ức tuyệt đẹp, mà diệu kỳ nhất trong số đó có lẽ là tình bạn keo sơn khó có thể tìm được ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi nhớ đêm đầu tiên khi mọi người vẫn còn xa lạ, ván bài ma sói cùng những trận tranh luận không hồi kết đã kết nối những “đôi người xa lạ - Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”; tôi nhớ những ngày học bắn súng tại bãi tập, chẳng có gì vui hơn việc được thầy cho nghỉ giải lao và cả tiểu đội quây quần bên nhau ca hát, trò chuyện, nắng gắt làm ai cũng đẫm mệt nhưng lại chào thua trước lửa cháy của tuổi trẻ. Tôi lại càng nhớ những buổi chiều hoàng hôn, thật sảng khoái khi cùng lũ bạn dạo quanh hồ Đá, ngồi ghế ăn kem chuối và cười ngặt nghẽo đến mức những cặp đôi “ban phát cẩu lương” phải quay lại nhìn. Cũng thật xúc động khi nhớ về những đêm “nhất quỷ nhì ma” của bọn con trai chúng tôi, khi đóng cửa giả vờ ngủ mà thực chất là tụ thành vòng tròn lúc thì kể chuyện ma, lúc thì trải lòng về bao tâm sự, gánh nặng, hay những lời yêu chưa cất thành câu. Và tôi làm sao quên được những tối cả phòng hết tiền để rồi cùng nhau nấu những bát mì gói đơn sơ, giản dị mà thơm lừng và chất chứa vị ngon lạ kỳ. Phải chăng, đó là cái vị ngọt ngào và đáng nhớ của thanh xuân - cái vị mà sau này khi ta có tất cả, khi ta trải nghiệm đủ thứ sơn hào hải vị trên đời, cũng chẳng thể tìm lại được? Ước gì ngay lúc này, một cỗ máy thời gian có thể xuất hiện đưa tôi về những ngày đầu, để tôi được lần nữa trải nghiệm và tận hưởng những xúc cảm khó quên ấy, để được lần nữa nói chuyện rôm rả trong lớp học và bị giảng viên nhắc, để được lần nữa cùng nhau đàn hát inh ỏi khắp khu nội trú, dẫu tiếng đàn và tiếng hát có khi chẳng “hoà” vào nhau nổi; và để được thưởng thức thêm thật nhiều bịch kem chuối, tô hủ tiếu bò kho và những nồi lẩu cá độc nhất vô nhị của nhà ăn. Kết thúc kỳ học quân sự, sẽ chẳng còn những bữa tiệc sinh nhật của một người nhưng được cả khu nội trú hát “Happy Birthday”, sẽ chẳng còn những buổi tối không thể tập trung học khi bị quá nhiều “băng đảng” lôi kéo Uno, ma sói, ăn bánh tráng nua; mỗi người chúng tôi sẽ lại trở về cuộc sống thường nhật, quay về những lo toan và công việc riêng. Dẫu biết cuộc vui nào cũng sẽ tàn, nhưng nghĩ đến việc rời khỏi nơi này, chia xa anh em bạn bè, lòng tôi quả thực chẳng nỡ…

Những lời cuối, em xin đại diện đại đội 10 gửi lời cảm ơn trân trọng và tri ân sâu sắc đến Trung tâm GDQP&AN - ĐHQG TP.HCM vì đã tạo ra một môi trường lành mạnh, tích cực để chúng em được trau dồi và học hỏi. Em cũng xin trao lời biết ơn chân thành đến tất cả các giảng viên đã từng chỉ dạy chúng em, cảm ơn các thầy cô vì là người truyền ngọn lửa yêu nước cháy bỏng đến chúng em, để chúng em ý thức được sứ mệnh to lớn của bản thân trong công cuộc dựng và giữ nước thời đại mới. Và với đại đội 10, tiểu đội 4, phòng B2.307; cảm ơn các bạn vì tất cả! Cảm ơn các bạn cán bộ Đại đội đã vô cùng trách nhiệm trong công việc và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, cảm ơn tiểu đội 4 vì những trận cười thả ga không ngơi nghỉ, cảm ơn phòng B2.307 vì đã giúp đỡ, yêu quý mình! Mình cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì được là một phần trong thanh xuân của các bạn!

 

Một hành trình sắp khép lại, và tôi tin mình đã là một phiên bản tốt đẹp hơn mỗi ngày. Những gì tôi đã trải qua trong một tháng vừa rồi sẽ là vốn sống, kinh nghiệm, kĩ năng quan trọng để tôi tiếp tục con đường chinh phục các mục tiêu mới trong tương lai, chinh phục hoài bão và mơ ước bấy lâu. Lời cuối cùng, tôi tự hào vì được chấp bút cho bài viết này, bài viết cho tôi và các bạn của nhiều năm sau, để nhớ chúng ta từng cùng nhau đi qua những tháng ngày rất đẹp!Mùa Quân sự của tôi  - một thời để nhớ

 Mùa Quân sự của tôi  - một thời để nhớ

 Mùa Quân sự của tôi  - một thời để nhớMùa Quân sự của tôi  - một thời để nhớ

 

Huỳnh Khánh Nhân - Đại đội 10, tiểu đội 9 Trrường Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM
Các tin khác
TRAO YÊU THƯƠNG - GẮN KẾT SỨC MẠNH - CHẤP CÁNH TƯƠNG LAI.
(02/07/2024) Trong kì học giáo dục quốc phòng và an ninh Khóa 435 này. Tập thể đại đội 17 của Sinh viên Trường Đại học Luật Tp.HCM là tập thể của những sinh viên Luật năng nổ, nhiệt huyết với tinh thần ham học hỏi và hứng thú với môi trường quân sự, trong tập thể Đại đội 17 ấy có một sinh viên " đặc biệt" với hoàn cảnh "đặc biệt", Bạn sinh viên Cù Thị Cẩm Tú. Bạn mang một cái tên rất đẹp, bố mẹ luôn gửi gắm một hy vọng bạn luôn như một bông hoa mang nét đẹp nhiều màu sắc
CẢM NGHĨ CỦA EM VỀ KHÓA HỌC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
(08/12/2023) Là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Em được tham gia khóa học Giáo dục Quốc Phòng và An Ninh tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh của trường ĐHQG TP HCM từ ngày 30/10/2023 đến 24/11/2023. Khóa học này, em được cử làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 thuộc Đại đội 11 do Thầy Mai Huy làm Đại đội trưởng. Có thể khẳng định rằng: Nội dung khóa học Quốc phòng và An ninh là rất quan trọng và cần thiết. Quá trình học, em  được tiếp thu cơ bản về kiến thức Quốc phòng và An ninh trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; em được tham gia vào các hoạt động thực tế như: bắn súng, hành quân và trải nghiệm về các bài tập thể lực,... khóa học còn có thêm nội dung giáo dục rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, từng bước hình thành kỹ năng vai trò trách nhiệm của lãnh đạo nhóm, xây dựng nếp sống văn minh,...  Kết thúc Khóa học này, em xin chân thành cảm ơn các chiến sĩ, giảng viên đã giúp em nâng cao nhận thức về Quốc phòng  và An ninh. Em tin tưởng v
Học quân sự có gì hấp dẫn?
(22/02/2023) Quân sự là khóa học bắt buộc mà mọi sinh viên đều phải trải qua với những ngày rèn luyện cùng súng, đạn và kiến thức về an ninh quốc phòng. Một tháng học quân sự, bao gồm cả trực tuyến và trực tiếp, các sinh viên sẽ được trải nghiệm những hoạt động nào? Hãy cùng PLO theo chân sinh viên trong mùa học quân sự này.
THẦY NGHIÊM KHẮC NHƯNG GẦN GŨI, ĐỜI THƯỜNG
(13/02/2023) Ngay từ khi nhận được kế hoạch của Nhà trường về học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên chúng em vừa mừng, vừa lo; mừng là lần đầu tiên được bước vào môi trường quân đội, được mặc trên mình “màu xanh áo lính”, lo là không biết về học mình sẽ phải chuẩn bị những gì? môi trường quân sự có khắt khe lắm không? chúng tôi có đủ sức khoẻ để “lăn, lê , bò, trườn” không? vì chúng em mới chỉ nghe “quân đội là kỷ luật sắt”…, và hết lo lắng này đến lo lắng khác cứ hiện lên trong chúng em, những lo lắng ấy là không thể tránh khỏi đối với chúng em - những nữ sinh mới rời ghế nhà trường để bước vào giảng đường đại học, và đây cũng là lần xa nhà đầu tiên của chúng em.
Ký ức những ngày xanh
(15/08/2022) Tôi viết những dòng này khi sắp sửa lần về những trang cuối của cuốn hồi ức về học kỳ quân sự đáng nhớ của mình. Giữa thanh xuân mầu nhiệm, mùa quân sự như một dấu son đỏ thắm, làm trái tim tôi luôn bồi hồi mỗi khi nghĩ về. Thu về trên vai áo xanh bạc màu, nắng đổ dọc những cung đường cong vút, mây lừ đừ chẳng muốn trôi như lòng tôi vương vấn chẳng muốn xa nơi này. Nhưng rồi phải gạt đi bao ước hẹn, hong khô bao kỉ niệm đặng ép chặt vào tim, chẳng muốn quên dù tôi đã bỏ lỡ... 
Kỳ Quân sự đáng nhớ: " Ngày chúng ta có nhau...!"
(30/05/2022) Thời gian một tháng không quá dài cũng không quá ngắn nhưng nó đủ để những kí ức về khu quân sự khắc sâu vào tâm trí tôi. Nhớ ngày đầu di chuyển đến Trung tâm GDQPAN – Đại học Quốc gia TPHCM, chúng tôi phải lặn lội đi bộ một quảng đường gần 1km từ cổng trước của trung tâm để đến khu vực phòng ở mệt rã rời, thế mà bây giờ muốn trải nghiệm lại cảm giác ấy cũng không còn cơ hội nữa rồi. Khoá học giáo dục quốc phòng, an ninh trực tiếp tại TTGDQPAN cũng đã gần kết thúc.
Kết thúc khóa học giáo dục quốc phòng, an ninh khóa 395/20 Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
(30/03/2021) Ngày 26/3/2021, Khóa học giáo dục quốc phòng, an ninh 395/20 - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc
Chuyến đi của thanh xuân
(27/03/2021) Cuộc sống đại học luôn chứa đựng những điều mới mẻ, và kì học quân sự là một điều thú vị mà mỗi sinh viên đều được trải qua một lần. Ngày nào chúng tôi cũng mặc trên mình những bộ áo màu xanh, vì thế mà cả Trung tâm Giáo dục Quốc phòng như khoác lên mình một màu xanh chiến sĩ, màu xanh bình dị mà giản đơn. Tại nơi đây chúng tôi được học cách gấp xếp nội vụ, cách xếp hàng theo đại đội, theo tiểu đội như trong quân đội thật sự. Học quân sự đem lại cho tôi những kiến thức vô cùng hữu ích, đó không chỉ là lí thuyết trên những trang giấy mà còn là nếp sống, những nếp sống tự hào của dân tộc và cả những trải nghiệm quý giá. Các buổi học lí thuyết với những bài học quan trọng, xen lẫn là những câu chuyện về lịch sử, về chiến tranh của các giảng viên đã giúp chúng tôi vượt qua những cơn buồn ngủ. Có lẽ những giờ thực hành để lại ấn tượng nhất trong tôi, cái cảm giác thích thú khi được chạm vào súng, tháo lắp và cả ngắm bắn nữa. Hay là những bài học về băng bó sơ cứu vết thương, chúng tôi băng bó cho nhau rồi cười khúc khích vì những đường băng đó.
Cảm nghĩ về kỳ học quân sự 2019 - 2020
(13/01/2020) Học kỳ quân đội đầu tiên của tôi - trong hành trình trưởng thành! Trước khi đi học quân sự, tất cả chúng tôi - sinh viên năm nhất Khoa Du lịch - trường Đại học Văn hóa TPHCM đã có những phấn khởi, lo lắng khi nghĩ về 1 tháng học tập tại Trung tâm giáo dục quốc phòng. Chúng tôi đã có rất nhiều câu hỏi về các vấn đề như: “Học tập thế nào? Thi cử ra sao? Chuẩn bị những gì khi học tập và sinh hoạt tại ký túc xá quân đội”. Và chúng tôi đã được Thầy cô và các anh chị khóa trước chia sẻ, giải đáp nhờ đó mà chúng tôi đã có những sự chuẩn bị ban đầu, để có thể thích nghi được với những nội quy học tập tại Trung tâm. Buổi sáng ngày đầu nhập học, chúng tôi được mặc quân phục màu xanh cùng nón tai bèo, trông như những thanh niên xung phong. Chúng tôi được nghe những quy tắc khi học tập và sinh hoạt ở trong ký túc xá của trung tâm, những yêu cầu như: thức giấc đúng giờ, tập trung tập thể dục, ăn sáng, học tập theo đúng quy định. Các buổi học chính trị với những bài học quan trọng, xen lẫn là câu
Mùa Quân Sự Khép Lại Với Những Kỷ Niệm…
(05/03/2018) Vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/03/2015, tại sân cờ Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh Sinh viên đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ bế giảng khóa 336 với sự tham dự của thạc sĩ Nguyễn Thiện Duy- trưởng phòng Công tác chính trị, Thạc sĩ Trần Duy Can- Chuyên viên phòng Quản lý đào tạo – Công tác sinh viên , các thầy đại diện ban Gíam đốc Trung tâm, các thầy đồng nghiệp cùng hơn 1500 sinh viên khóa 40 trường đại học Kinh Tế Tp.HCM (UEH-ers k40). Sau gần một tháng trời hăng say học tập và rèn luyện, UEH-ers k40 tham gia quân sự đợt I đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa học với kết quả 1536 sinh viên đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 100%. Ba tập thể thi đua xuất sắc nhất được tuyên dương và khen thưởng, giải Nhất thuộc về đại đội 3, đại đội 8 đạt giải Nhì và giải Ba thuộc về đại đội 6. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tuyên dương và khen thưởng cho các cá nhân có kết quả học tập và rèn luyện tốt, cũng như các tập thể đạt thành tích trong giải bóng chuyền do các thầy tại Trung tâm tổ
Đọc nhiều nhất
Số 1, Lê Quý Đôn, Khu đô thị Đại học Quốc gia TP. HCM, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam
Phòng Tổ chức - Hành chính: 028 6272 8214 - Email:
Phòng Đào tạo: 028 6272 8217 - Email:
Phòng Quản lý sinh viên: 028 6272 8202 - Email:
ĐANG ONLINE:
9
LƯỢT TRUY CẬP:
2.868.508
© 2024 Bản quyền thuộc về Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
  VỀ ĐẦU TRANG